Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 25/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội 

Hiến pháp nước ta đã nêu rõ: "Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” Cấp ủy là người thay mặt cho tổ chức đảng làm vai trò tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo của đảng; trong đó bí thư cấp ủy đảng (người đứng đầu) giữ vai trò chủ trì, có thể hiểu là chỉ huy. Người đứng đầu phải có những thẩm quyền, trách nhiệm nhất định trong mối quan hệ với các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Phẩm chất và năng lực là điều kiện tiên quyết giúp người đứng đầu hoàn thành nhiệm vụ. Xét tổng thể là phải có phẩm chất, năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, "có một số nét đặc sắc, một số điểm sáng nổi bật, khắc họa rõ nét hơn bản sắc, tính cách của họ trở thành người "có góc, có cạnh”. (1)

 
Người có phẩm chất, năng lực có thể làm tốt được thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu, vì họ hiểu rõ bổn phận của họ phải làm những gì và làm như thế nào. Ngược lại, người thiếu phẩm chất, năng lực mà giữ vị trí đứng đầu thì không sớm thì chầy mang tai họa cho Đảng, cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có đào tạo những cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, "cả gan nói, cả gan đề ra sáng kiến” Đảng mới thành công. Trái lại," nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo "đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng”.(2)

 
Trách nhiệm là phần việc mà mỗi người phải làm, người đứng đầu thì phần việc đó nặng nề hơn, cần có dũng khí, có tính quyết đoán trong chủ trương và quyết liệt trong hành động. Để người đứng đầu hoàn thành trọng trách thì thẩm quyền cũng như trách nhiệm cần sớm được luật hóa. Thẩm quyền là phần việc tổ chức giao cho người đứng đầu làm tới mức độ nào, phạm vi nào. Vượt qua thẩm quyền, lạm dụng quyền hạn, nhiệm vụ thì cần phải xem xét về động cơ, về ý thức tổ chức kỷ luật. Với tôn chỉ hoạt động của Đảng thì mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng và tôn trọng pháp luật, điều lệ. Với ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng: Đảng mang tính chất đoàn thể là vận động, là thuyết phục, tránh thái độ độc đoán, chuyên quyền. Bởi vậy, Đảng cần thực hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng sự "đồng thuận xã hội”. Có thể phát triển tinh thần đồng thuận xã hội thành một chủ thuyết cách mạng, như Bác Hồ đã dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cũng xin được nói thêm rằng chủ thuyết "nhân đức” của Khổng Tử cách đây hơn 2.600 năm vẫn sáng như sao trên trời, một số học giả trên thế giới đang khuyến nghị nên phổ quát cho thế kỷ XXI.
Quan hệ giữa tổ chức đảng với tổ chức Mặt trận là quan hệ đặc biệt. Đảng không đứng trên, đứng ngoài mà đứng trong lòng nhân dân; Đảng phấn đấu cho lợi ích của cả dân tộc. Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua đảng đoàn, Đảng tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ trong Mặt trận. Bởi vậy, mối quan hệ giữa người đứng đầu các tổ chức này rất đặc biệt "vừa là đồng chí, vừa là đồng minh”. Với các đoàn thể, cũng cần sự tôn trọng tính độc lập của tổ chức theo điều lệ quy định, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, giữ mối liên hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân; thông qua vai trò những người đứng đầu để làm cho sợi dây gắn bó thêm bền chặt.

 
Trong những thời kỳ trước đây, Đảng chưa nắm chính quyền, Đảng ít mắc khuyết điểm trong các mối quan hệ với nhân dân. Vì Đảng đã thực sự gần dân, cán bộ đảng viên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, vận động thuyết phục và dựa hẳn vào đồng bào "lấy sức ta giải phóng cho ta”, đồng tâm hiệp sức vì mục đích chung là giành Độc lập Tự do cho nước nhà. Ngày nay trong hòa bình xây dựng, đời sống nhân dân có cải thiện, từng bước nâng cao nhưng niềm tin với Đảng không mặn mà như trước nữa. Tại vì sao ? Cái chính là do một bộ phận không nhỏ cán bộ ta thiếu gương mẫu, quan liêu, xa dân, thiếu trách nhiệm với nhân dân. Nghiêm khắc mà nói, chúng ta đã không thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo gắn với cá nhân phụ trách. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, mặc dù rất tôn trọng chế độ làm việc tập thể, coi làm việc tập thể là một nguyên tắc của đảng vô sản, Lênin vẫn hết sức đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân. Người yêu cầu "phải không ngừng phấn đấu làm sao cho trên thực tế bảo đảm được trách nhiệm cá nhân của mỗi người đối với một công tác nhất định một cách chính xác và nghiêm ngặt”. (3) Làm thế nào là chính xác, làm thế nào là nghiêm ngặt ?

 
Trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, cần chú trọng thiết lập những quy chế, quy định, có chế tài cần thiết, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc. Trên tinh thần đó, chúng ta phải có nhiều cách làm chủ động và sáng tạo hơn nữa. Mới đây, ngày 25-4-2012, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân. Cứ ba tháng tiếp xúc, đối thoại một lần; chậm nhất ba mươi ngày làm việc sau khi có thông báo của bí thư cấp ủy, các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết vụ việc cho tập thể, cá nhân có liên quan. Thiết nghĩ, đó là những quy định cần thiết cho người đứng đầu, với tinh thần thật cụ thể, thiết thực để chúng ta triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Chúng tôi xin đề xuất cụ thể mấy vấn đề sau:

 
1- Giữa hai bên - người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu tổ chức Mặt trận, đoàn thể hàng năm phải hoạch định chương trình làm việc, tốt nhất là nêu ra được đầu công việc phải làm. Như vậy mới có định hướng cho bộ phận tham mưu giúp việc, bố trí thời gian nghiên cứu khảo sát chuẩn bị các đề án, công việc một cách chu đáo, khoa học và hiệu quả. Cách làm như vậy không chỉ ỷ lại vào chủ trương chung trên văn bản giấy tờ mà rất cần sự chăm lo giải quyết, đôn đốc, giúp đỡ của người đứng đầu. Rõ ràng ở đây cần một sự sâu sát và chuyên cần, không thể qua loa đại khái, một người viết rồi một người đọc "dài dòng rỗng tuếch”, "sáo cũ”, "cầu kỳ”, "hay nói chữ”, "nói không ai hiểu” như lời Bác Hồ đã chỉ ra trong việc "Chống thói ba hoa”. Cũng trong tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc” này, Bác chỉ rõ: "Cách lãnh đạo đúng là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng và liên hiệp lãnh đạo với quần chúng”.

 
2- Hai bên nên thống nhất phương thức lãnh chỉ đạo, chế độ báo cáo, thỉnh thị, kiểm tra giám sát một cách nền nếp, thường xuyên hàng tháng, hàng quý. Việc này có thể làm bận rộn công việc cho những người đứng đầu nhưng không thể khác được, quan trọng là biết phân công, sắp xếp hợp lý. Có thể là đồng chí trợ lý được phân công giúp việc cho bí thư cấp ủy; trợ lý có trách nhiệm chắt lọc công việc, lựa chọn thời gian thích hợp giúp bí thư xử lý công việc nhanh gọn, hiệu quả.

 
3- Ngoài thời gian làm việc tại công sở, người đứng đầu cấp ủy nên "vi hành”, thăm các cơ quan đoàn thể, gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng. Cách tiếp cận này đơn giản, chân thành, không cần phải phát thanh, truyền hình; "Hữu xạ tự nhiên hương”- lòng dân thêm ấm cúng, lãnh đạo thêm uy tín. Và, có thể dành thời gian ít ỏi đến thăm gia đình, biết được hoàn cảnh, động viên nhau công tác, củng cố "hậu phương vững chắc”, ắt mọi việc thành công.
 
theo daidoanket.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển